Lịch sử Men thủy tinh

Cái xoong Staffordshire Moorlands, Anh thuộc La Mã thế kỷ 2.

Cổ đại

Các loại men sớm nhất đều sử dụng kỹ thuật men ô (cloisonné), đặt men bên trong các ô nhỏ có thành bằng vàng. Điều này đã được sử dụng như một kỹ thuật để giữ chặt các mảnh đá và đá quý đúng vị trí từ thiên niên kỷ 3 TCN, ví dụ như ở Lưỡng Hà và sau đó là Ai Cập cổ đại. Men dường như đã được phát triển như một phương pháp rẻ hơn để đạt được các kết quả tương tự.[1]

Những vật thể sớm nhất không thể tranh cãi được biết là sử dụng men là một nhóm các vòng Mycenae từ Síp, có niên đại tới thế kỷ 13 TCN.[1] Mặc dù các di vật Ai Cập cổ đại, bao gồm cả đồ trang sức từ Lăng mộ Tutankhamun vào khảng năm 1325 TCN, thường được cho là có sử dụng "men", nhưng nhiều học giả nghi ngờ hồ thủy tinh trong đó liệu đã đủ chảy lỏng để được mô tả là thủy tinh, và họ sử dụng các thuật ngữ như "hồ thủy tinh". Có vẻ là trong điều kiện của Ai Cập khi đó thì điểm nóng chảy của thủy tinh và vàng là quá gần nhau nên việc tráng men khó có thể trở thành một kỹ thuật khả thi. Tuy nhiên, dường như có một vài mẫu vật thực có chứa men, có lẽ từ Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Ba của Ai Cập (bắt đầu từ khoảng năm 1070 TCN) trở đi.[2] Nhưng nó vẫn hiếm ở cả Ai Cập lẫn Hy Lạp.

Kỹ thuật này xuất hiện ở người Kuban trong thời kỳ Scythia, và có lẽ đã được người Sarmatia truyền cho người Celt cổ đại.[1] Men đỏ được sử dụng ở 26 chỗ trên khiên Battersea (khoảng 350–50 TCN), có thể là để làm giả san hô đỏ Địa Trung Hải, được sử dụng trên khiên Witham (400-300 TCN). Pliny Già đề cập đến việc người Celt sử dụng kỹ thuật này trên kim loại, điều mà người La Mã vào thời của ông hầu như không biết đến. Cái xoong Staffordshire Moorlands là một đồ lưu niệm từ thế kỷ 2 của Tường thành Hadrian, được làm cho thị trường quân sự La Mã, có trang trí men xoáy theo phong cách Celt. Tại đảo Anh, có lẽ nhờ bảo tồn các kỹ năng thủ công của người Celt nên men vẫn tồn tại cho đến thời kỳ của những chiếc bát treo của nghệ thuật Anglo-Saxon sơ khai vào khoảng đầu thế kỷ 5.

Một vấn đề làm tăng thêm độ không chắc chắn về men thời kỳ đầu là các đồ tạo tác (thường được khai quật) dường như đã được làm để được tráng men, nhưng giờ đây đã mất đi bất cứ thứ gì lấp đầy các ô hộc (cloisonné) hoặc phần nền của các mảnh khảm (champlevé).[1] Điều này xảy ra ở một số khu vực khác nhau, từ Ai Cập cổ đại đến Anh thời kỳ Anglo-Saxon. Khi men trở nên phổ biến hơn, như ở châu Âu thời Trung Cổ sau khoảng năm 1000, thì giả định cho rằng men nguyên đã được tráng tại những chỗ đó trở nên an toàn hơn.

Châu Âu thời Trung Cổ và Phục Hưng

Các chi tiết của một cái đĩa họa pháp lam Limoges, giữa thế kỷ 16, được cho là do Jean de Court làm, trong Di sản Waddesdon.

Trong lịch sử nghệ thuật châu Âu, men có vai trò quan trọng nhất trong thời Trung Cổ, bắt đầu từ những người La Mã cuối cùng và sau đó là người Byzantin, những người bắt đầu sử dụng men ô (cloisonné) để làm giả các chỗ khảm đá quý có vách ngăn. Phong cách tráng men Byzantin đã được các dân tộc "man di" ở Bắc Âu trong giai đoạn Di cư áp dụng rộng rãi. Người Byzantin sau đó bắt đầu sử dụng men ô tự do hơn để tạo ra các hình ảnh; điều này cũng được sao chép ở Tây Âu.

Đồ kim loại Meuse thường chèn các tấm tráng men có chất lượng cao nhất vào các hòm đựng thánh tích và các tác phẩm kim hoàn lớn khác. Đồ tráng men Limoges (hay pháp lam Limoges) được sản xuất tại Limoges, Pháp, trung tâm sản xuất men thủy tinh nổi tiếng nhất ở Tây Âu, mặc dù ở Tây Ban Nha người ta cũng làm ra những sản phẩm tốt. Limoges trở nên nổi tiếng với các đồ men tráng men khảm từ thế kỷ 12 trở đi, được sản xuất ở quy mô lớn, và sau đó (sau thời kỳ suy giảm sản lượng) từ thế kỷ 15 vẫn giữ được sự dẫn đầu bằng cách chuyển sang men vẽ (họa pháp lam) trên các tấm kim loại phẳng. Kỹ thuật men khảm đã trở thành dễ dàng hơn đáng kể và được thực hành rất rộng rãi trong thời kỳ phỏng La Mã. Trong nghệ thuật Gothic, tác phẩm tinh xảo nhất là ở các kỹ thuật trổ thấp (basse-taille) và chạm nổi cao (ronde-bosse), nhưng các tác phẩm khảm (champlevé) rẻ tiền hơn tiếp tục được sản xuất với số lượng lớn dành cho thị trường rộng lớn hơn.

Men vẽ vẫn là thời trang trong hơn một thế kỷ, và ở Pháp đã phát triển thành phong cách Phục Hưng và Kiểu cách tinh xảo, được nhìn thấy trên các đồ vật như bát đĩa trưng bày lớn, bình đựng có tay cầm, lọ mực và trong các bức chân dung nhỏ. Sau khi không còn là thời trang nữa thì nó vẫn tiếp tục như một phương tiện cho các bức chân dung thu nhỏ, lan tỏa sang Anh và các quốc gia khác. Điều này tiếp tục cho đến đầu thế kỷ 19.

Một trường phái ở Nga cũng đã phát triển, sử dụng kỹ thuật này trên các đồ vật khác, như trong thời kỳ Phục Hưng, và cho các đồ vật tôn giáo tương đối rẻ tiền như thánh giá và các linh ảnh nhỏ.

Trung Quốc

Một cái ấm Trung Hoa đựng rượu bằng đồng thanh được tráng men theo kỹ thuật men ô (người Trung Quốc gọi là kháp ti pháp lang), thế kỷ 18.

Người Trung Quốc hiện nay gọi đồ nghệ thuật bằng kim loại, gốm hay thủy tinh tráng men là phát lang, nhưng trong quá khứ nó có các tên gọi khác nhau như phật lam, phật lang, phật lãng, pháp lam, phát lam, Đại Thực diêu, Quỷ quốc khảm, phật lang khảm v.v.

Sử sách Trung Hoa thời Tùy-Đường gọi Đế quốc Đông La Mã (Byzantin) là Phật Lam (拂菻), và nó có thể là nguồn gốc của các tên gọi pháp lang (珐琅), phật lam (佛菻), phật lang (佛郎), phật lang (拂郎), phật lãng (佛朗), pháp lam (法蓝), phát lam (发蓝). Cựu Đường thư và Tân Đường thư gọi khalifat Abbas là Hắc Y Đại Thực (黑衣大食),[3][4][5][6][7] và đây có thể là nguồn gốc của Đại Thực diêu (đồ gốm Đại Thực) – một trong các tên gọi đồ tráng men trong tiếng Trung.

Từ Byzantin hoặc từ thế giới Hồi giáo, kỹ thuật men ô đã đến Trung Quốc trong thế kỷ 13-14. Tài liệu tham khảo bằng văn bản đầu tiên còn tồn tại viết về men ô là trong một cuốn sách từ năm 1388, nơi sản phẩm men ô được gọi là "Đại Thực diêu" (大食窑).[8] Người ta không biết là có tồn tại hay không các hiện vật tráng men của Trung Quốc với niên đại thế kỷ 14; các hiện vật có thể xác định niên đại sớm nhất là dưới thời Tuyên Đức (1425–1435), trong đó chúng thể hiện việc sử dụng đầy đủ các phong cách Trung Hoa, cho thấy kinh nghiệm đáng kể trong kỹ thuật tráng men của họ.

Tráng men ô vẫn rất phổ biến ở Trung Quốc cho đến thế kỷ 19 và ngày nay vẫn còn được sản xuất. Các tác phẩm tinh xảo nhất và được đánh giá cao nhất của Trung Quốc là từ đầu thời nhà Minh, đặc biệt là dưới thời Tuyên Đức và Cảnh Thái (1450–1457) và đồ tráng men ô rất nổi tiếng thời Cảnh Thái được gọi là Cảnh Thái lam (景泰蓝), mặc dù các hiện vật thế kỷ 19 hoặc hiện đại phổ biến hơn nhiều.[8]

Thời Thanh, kỹ thuật tráng men của châu Âu du nhập vào Quảng Đông, với trung tâm sản xuất hàng pháp lang theo các kỹ thuật tạm thai pháp lang và họa pháp lang ở Quảng Châu được đánh giá cao nhất. Hàng họa pháp lang Quảng Đông còn được gọi là Quảng pháp lang (广珐琅), được dùng làm cống phẩm cho triều đình. Hàng sản xuất theo kỹ thuật thấu minh pháp lang tại Quảng Châu cũng là hàng có danh tiếng.

Các kỹ thuật tráng men mà người Trung Quốc áp dụng có thể chia ra thành 4 thể loại như sau: [9]

  • Kháp ti pháp lang (掐丝珐琅): Là tên gọi tiếng Trung của kỹ thuật men ô. Dùng các sợi chỉ kim loại (như đồng và các hợp kim đồng) kết thành họa tiết trang trí. Nó có tác dụng giống như vách ngăn giữa các ô, quét men vào các ô, đem nung rồi đánh bóng. Các sợi chỉ kim loại có thể thếp/mạ vàng rồi đánh bóng lại. Nhiều tác giả cho là du nhập vào Trung Quốc khoảng thế kỷ 13-14, nhưng có một số tác giả cho là từ thế kỷ 8 và thuần thục trong thế kỷ 13-14.
  • Tạm thai pháp lang (錾胎珐琅): Là tên gọi tiếng Trung của kỹ thuật men khảm. Dùng kỹ thuật khắc lõm, khảm lõm (chạm lộng) để tạo ra họa tiết trang trí làm cho đường viền các hoa văn nổi lên, rồi quét men vào những chỗ lõm đó, đem nung rồi đánh bóng. Du nhập vào Trung Quốc trong thời Nguyên.
  • Họa pháp lang (画珐琅) hay dương từ (洋瓷): Là các tên gọi tiếng Trung của kỹ thuật men vẽ. Vẽ bằng các loại men màu trên nền men một màu (như trong hội họa), đem nung rồi đánh bóng. Du nhập vào Trung Quốc và phát triển rực rỡ nhất trong thời Thanh dưới thời trị vì của 3 hoàng đế Khang Hi, Ung Chính, Càn Long.
  • Thấu minh pháp lang (透明珐琅): Men thấu quang (men trong suốt hoặc nửa trong suốt). Sau khi chạm trổ các họa tiết trang trí lên cốt thì tráng lớp men pháp lang nhiều màu dưới lớp men phủ trong suốt, rồi mới đem nung. Loại pháp lang này lợi dụng tính chất của lớp men thấu quang hoặc nửa thấu quang để biểu lộ sự biến đổi màu sắc của hoa văn do độ sáng tối, đậm nhạt mà có.

Việt Nam

Bài chi tiết: Pháp lam

Kỹ thuật tráng men họa pháp lang của người Trung Quốc từ Quảng Đông du nhập vào Việt Nam vào khoảng thời Minh Mạng và được gọi là pháp lam, với chữ lam (藍) bằng Hán tự được gia thêm bộ ngọc (玉) ở bên trái.[9] Được sản xuất chủ yếu trên đồ đồng phục vụ cho cung đình Huế. Kỹ thuật sản xuất men và đồ pháp lam hiện nay đang được nghiên cứu phục hồi, chủ yếu để phục vụ mục đích trùng tu các hiện vật thời Nguyễn.

Nhật Bản

Một cặp bình hoàng gia, do Ando Jubei vẽ men khoảng năm 1910 hoặc muộn hơn, với cúc hoa ngự văn mạ vàng (kikumon), gờ miệng, vai và chân trang trí hoa dây, thân là con chim chích trên cây mai đang ra quả, sử dụng kỹ thuật moriage (盛上, chất đống) để hơi làm nổi cao họa tiết; Bộ sưu tập nghệ thuật Nhật Bản của Khalili.

Các nghệ nhân Nhật Bản đã không tạo ra các đồ vật ba chiều tráng men cho đến thập niên 1830, nhưng khi họ nắm được kỹ thuật dựa trên phân tích các đồ vật Trung Quốc thì sản xuất đã phát triển rất nhanh chóng, đạt đến đỉnh cao vào thời Minh TrịĐại Chính (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20).[10] Men đã được sử dụng để trang trí cho đồ kim loại từ khoảng năm 1600,[10][11] và hàng men ô của Nhật Bản đã được xuất khẩu sang châu Âu trước khi bắt đầu thời Minh Trị năm 1868.[10] Đồ tráng men ô được biết đến ở Nhật Bản dưới tên gọi shippō (七宝, thất bảo), nghĩa đen là "bảy báu vật".[12] Điều này là để nói tới các chất nhiều màu sắc được đề cập trong các kinh văn Phật giáo.[13] Thuật ngữ này ban đầu được sử dụng để chỉ các đồ vật nhiều màu sắc được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, vào thập niên 1830, Kaji Tsunekichi đã phá vỡ một vật tráng men [thủy tinh] của Trung Quốc để kiểm tra nó, sau đó đã đào tạo ra nhiều nghệ nhân để khởi đầu công nghiệp đồ tráng men của chính Nhật Bản.[11][13]

Đồ tráng men của Nhật Bản thời kỳ đầu có màu vẩn đục và mờ, với các hình dạng tương đối vụng về. Điều này thay đổi nhanh chóng từ năm 1870 trở đi.[10] Công ty Đồ men ô Nagoya (Nagoya shippo kaisha) tồn tại từ 1871 đến 1884, để bán các sản phẩm của nhiều xưởng nhỏ và giúp họ hoàn thiện công việc.[10] Năm 1874, chính quyền thành lập công ty Kiriu kosho kaisha để tài trợ cho việc sáng tạo một loạt các tác phẩm trang trí nghệ thuật tại các triển lãm quốc tế. Đây là một phần của chương trình quảng bá Nhật Bản như là một quốc gia công nghiệp, hiện đại.[10]

Gottfried Wagener (1831-1892) là một nhà khoa học người Đức được chính quyền Nhật Bản mời để tư vấn cho ngành công nghiệp Nhật Bản và để cải tiến quy trình sản xuất. Cùng với Namikawa Yasuyuki (1845-1927), ông đã phát triển một loại men màu đen trong suốt được sử dụng làm màu nền. Các lớp men trong mờ với nhiều màu sắc khác được tiếp nối trong thời kỳ này.[10] Cùng với Tsukamoto Kaisuke (1828-1887), Wagener đã chuyển đổi quy trình nung được các xưởng Nhật Bản sử dụng, nâng cao chất lượng thành phẩm và mở rộng sự đa dạng của màu sắc.[10] Kawade Shibatarō (1856-1921) đã giới thiệu nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm nagare-gusuri (men nhỏ giọt) tạo ra lớp men màu cầu vồng và kỹ thuật uchidashi (rập nổi, repoussé), trong đó nền kim loại được rập bằng búa ra phía ngoài để tạo hiệu ứng phù điêu.[14] Cùng với Hattori Tadasaburō (?-1939), ông đã phát triển kỹ thuật moriage ("chất đống") xếp các lớp men lên nhau để tạo ra hiệu ứng ba chiều.[15] Namikawa Sōsuke (1847-1910) đã phát triển phong cách tranh ảnh mô phỏng các bức họa. Ông được biết đến với shosen (dây thu nhỏ) và musen (無線, men ô không dây): các kỹ thuật này được phát triển cùng với Wagener, trong đó các dây kim loại của các ô được thu nhỏ hoặc tẩy bay hoàn toàn bằng axit.[11][16] Điều này trái ngược với phong cách Trung Quốc sử dụng các ô với dây kim loại dày.[10] Ando Jubei (1876-1956) đã giới thiệu kỹ thuật shōtai-jippō (省胎七宝, tỉnh thai thất bảo, plique-à-jour) loại bỏ lớp kim loại nền bằng axit nitric để lại lớp men trong mờ, tạo ra hiệu ứng giống như kính màu.[17] Công ty Đồ men ô Ando (安藤七宝店) do ông đồng sáng lập là một trong số ít những nhà sản xuất từ thời kỳ này vẫn còn hoạt động đến nay.[10] Các họa tiết trang trí thiết kế đặc thù Nhật Bản, trong đó hoa, chim và côn trùng được sử dụng làm chủ đề, trở nên phổ biến. Các thiết kế cũng ngày càng sử dụng nhiều khu vực với không gian trống.[11] Với sự tinh tế hơn mà những kỹ thuật này cho phép, đồ tráng men của Nhật Bản được coi là vô song trên thế giới,[18] và giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.[16][19]

Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo

Nghệ thuật Mīnākārī ở Iran.

Men được đưa vào trang trí các đồ vật bằng vàng và bạc ở Đế quốc Mogul vào khoảng năm 1500-1600,[20] và trở thành một nét đặc trưng của đồ trang sức Mogul. Triều đình Mogul được biết là sử dụng các meenakar (hay mīnākār, tức là thợ tráng men).[21] Những người thợ thủ công này đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ trị vì của Shah Jahan vào giữa thế kỷ 17. Các loại men trong suốt rất phổ biến trong thời kỳ này.[21] Cả men ô và men khảm đều được sản xuất ở Mogul, với men khảm được sử dụng cho những đồ vật tinh xảo nhất.[21] Sản xuất công nghiệp hiện đại bắt đầu ở Calcutta, Tây Bengal vào năm 1921 với sự ra đời của Công ty TNHH Sản phẩm Tráng men Bengal (Bengal Enamel Works Ltd), nhưng công ty này đã dừng hoạt động vào năm 2004.

Men được sử dụng ở Iran để tạo màu và trang trí bề mặt kim loại bằng cách pha trộn lên nó những màu sắc rực rỡ được trang trí theo một thiết kế họa tiết phức tạp và được gọi là mīnākārī (hay meenakari, tiếng Ba Tư: میناکاری). Du khách kiêm thương nhân đồ trang sức người Pháp, Jean Chardin (1643-1713), người đã đi du lịch Iran trong thời kỳ Safavid, đã dẫn chiếu đến một tác phẩm tráng men ở Isfahan, bao gồm mô hình các loài chim và thú trên nền hoa với các màu xanh lam sáng, xanh lục, vàng và đỏ. Theo truyền thống, vàng được sử dụng cho đồ trang sức mīnākārī vì nó giữ lớp men tốt hơn, lâu hơn và vẻ đẹp lộng lẫy của nó làm nổi bật màu sắc của đồ tráng men. Bạc được đưa vào sau này và sử dụng cho các đồ tạo tác như hộp, bát, thìa và các đồ nghệ thuật trong khi đồng được sử dụng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chỉ được đưa vào sử dụng sau khi các đạo luật kiểm soát vàng được thực thi ở Ấn Độ từ năm 1962, 1968 và 1990 buộc các thợ tráng men phải tìm kiếm một vật liệu khác ngoài vàng. Ban đầu, sản phẩm mīnākārī thường không được chú ý vì nghệ thuật này theo truyền thống được sử dụng làm nền cho kundan hay đồ trang sức đính đá nổi tiếng. Điều này cũng cho phép người đeo lật ngược đồ trang sức cũng như hứa hẹn một niềm vui đặc biệt trong bí mật của thiết kế ẩn.[22]

Hiện đại

Grijs gewolkt (mây xám), bộ đồ nhà bếp tráng men điển hình từ DRU Cultuurfabriek, Hà Lan, phổ biến trong thập niên 1950.

Gần đây hơn, các màu sắc tươi sáng giống như đồ trang sức đã làm cho men trở thành lựa chọn ưa thích của các nhà thiết kế đồ trang sức, bao gồm cả những người làm đồ trang sức theo trường phái Tân Nghệ thuật, các nhà thiết kế đồ tiểu mỹ nghệ như những quả trứng của Peter Carl Fabergé (1846-1920) và các hộp đồng tráng men của các thợ tráng men Battersea,[23] và cho các họa sĩ như George Stubbs (1724-1806) và các họa sĩ vẽ chân dung thu nhỏ khác.

Một sự hồi sinh trong nghệ thuật dựa trên men đã diễn ra vào gần cuối thế kỷ 20 ở Liên Xô với sự tiên phong từ các họa sĩ kiêm thợ tráng men như Aleksei Aleksandrovich Maksimov (1952-) và Leonid Efros (1949-). Tại Úc, họa sĩ theo trường phái trừu tượng Bernard Hesling (1905-1987) đã đưa phong cách này trở thành nổi bật với những tấm thép có kích thước khác nhau của ông.[24]

Men lần đầu tiên được áp dụng ở quy mô thương mại cho sắt thép tấm ở Áo và Đức vào khoảng năm 1850.[25]:5 Công nghiệp hóa tăng lên do độ tinh khiết của nguyên liệu đầu vào tăng lên và chi phí sản xuất giảm xuống. Quy trình ứng dụng ẩm bắt đầu với sự phát hiện ra việc sử dụng đất sét để làm cho frit trở thành lơ lửng trong nước. Các phát triển tiếp theo trong thế kỷ 20 bao gồm các mác thép phù hợp để tráng men, chuẩn bị bề mặt chỉ làm sạch, tự động hóa và những cải tiến đang diễn ra về hiệu suất, hiệu năng và chất lượng.[25]:5 Tiêu chuẩn châu Âu cho các sản phẩm phẳng bằng thép thấp cacbon cán nguội để tráng men thủy tinh (như thép cuộn cán nguội) là DIN EN 10209.